Khởi tố Formosa Hà Tĩnh và các tác nhân gây hại liên hệ

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Việc khởi tố công ty Formosa Hà Tĩnh Steel (FHTS) và các tác nhân gây hại liên hệ, cả về hình sự lẫn dân sự, cần phải được thực hiện nhanh chóng để đem lại công lý cho cuộc tàn phá môi trường tệ hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Pháp luật Việt Nam có đủ cơ sở để khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ dựa vào các Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự, Bộ Luật Dân Sự, và Bộ Luật Bảo Vệ Môi Trường đang có hiệu lực. Nhóm cầm quyển cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam không có cách nào hơn là phải tiến hành việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ và giúp đỡ dân khởi kiện đòi bồi thường ̣để đem lại công lý cho mọi người.

***

Sau một ngày lặn xuống biển tại một cảng của công ty Formosa Hà Tĩnh Steel (FHTS), anh Lê Văn Ngày, 44 tuổi, thợ lặn của công ty cổ phần và Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc, từ trần trên đường tới bệnh viện sau khi có triệu chứng đau ngực và khó thở vào ngày 24 tháng 4 năm 2016 (Thanh Niên 2016a; Tuổi Trẻ 2016). Các đồng nghiệp của anh cũng than phiền về các triệu chứng tương tự sau khi lặn xuống gần nơi xả thải ra biển tại FHTS. Năm thợ lặn của công ty Nibelc sau đó phải vào bệnh viện vào ngày 26-4-2016 (Thanh Niên 2016a; Tong 2016; Tuổi Trẻ 2016).

Theo bài phóng sự của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, sau gần ba tháng, nguyên nhân về cái chết của anh Lê Văn Ngày chưa được làm rõ và công an tỉnh Quảng Bình chưa giao kết quả xét nghiệm tử thi cho gia đình (MLBVN 2016). Sau bài phóng sự đó, vào ngày 14-7-2016, gia đình anh Lê Văn Ngày mới nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo về cái chết của anh (Báo Mới 2016b). Thông báo này cho biết vào ngày 17-5-2016, cơ quan công an huyện Quảng Trạch ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và kết thúc điều tra vụ này vì "nguyên nhân chết là suy tim cấp, nên không có dấu hiệu của tội phạm" (tlđd.; Dân Trí 2016). Không rõ tại sao mất gần hai tháng quyết định này mới được gởi đến gia đình. Gia đình và đồng nghiệp anh Ngày rất ngạc nhiên về kết quả này và muốn tìm sự thật về cái chết của anh (tlđd.). Vào ngày 18-7-2016, gia đình anh Ngày gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan yêu cầu xem xét lại cái chết của anh (Báo Mới 2016c).

Cái chết của anh Ngày và kết quả điều tra về vụ đó là một trong nhiều việc khả nghi và uẩn khúc trong vụ thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam gây ra bởi FHTS. Vụ thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam do công ty FHTS gây ra đã được biết rõ (Wikipedia 2016c). Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị FHTS, cùng 6 đại diện công ty, nhận lỗi gây thảm họa, cúi đầu xin lỗi, và hứa bồi thường 500 triệu đô la vào ngày 29-6-2016 và công bố vào ngày 30-6-2016 (VNExpress 2016). Sau việc FHTS chính thức nhận lỗi và đồng ý bồi thường, nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa công bố chi tiết về các thương lượng, chương trình, kế hoạch, hoặc dự tính về những việc làm sau đó đối với FHTS. 

Theo nguồn tin mới nhất, NCQCS cho rằng chất thải mà FHTS thừa nhận thải ra biển gây hại đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân (RFA 2016). Cũng theo nguồn tin này, cuộc bồi thường cho người dân sẽ bắt đầu vào tháng tới và FHTS đã chuyển 250 triệu đô la tiền bồi thường bước đầu nằm trong số 500 triệu đô la vào ngày 28 tháng 7 năm 2016 (tlđd.).

Chỉ cần làm một bài toán đơn giản nhất, chấp nhận ngay cả những con số thống kê do NCQCS đưa ra về số người bị thiệt hại, ta cũng thấy số tiền 500 triệu đô la thật quá nhỏ nhoi. Dùng các tài liệu về tổng sản phẩm nội địa theo đầu người (Xem, thí dụ như, Wikipedia 2016d; Wikipedia 2016e), và cho dù giả sử tiền bồi thường chỉ để trả cho nạn nhân mà không dùng trong việc sửa chữa và trùng tu các thiệt hại của vùng biển, ai cũng thấy 500 triệu đô la không đủ để cho người dân sống trong một hai năm, chứ đừng nói năm mười năm, thời gian ít nhất để khôi phục phần nào sự sống của vùng bị thiệt hại.

Chúng ta thấy ngay có rất nhiều vấn đề quanh vụ thương lượng nhận tội và số tiền bồi thường. Do đó người dân cần phải có phản ứng với cuộc dàn xếp này. Bên cạnh những hoạt động xã hội kêu gọi biểu tình chống đối FHTS, đã có nhiều ý kiến về việc khởi tố FHTS hình sự và dân sự (Xem, thí dụ như, BBC 2016; Báo Mới 2016a; Nguoidothi 2016). Trong bài này, tôi sẽ chỉ trình bày ý kiến về việc NCQCS tại Việt Nam và các nạn nhân khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ. 

A. Các vấn đề pháp lý về việc khởi tố FHTS và các tác nhân liên hệ:

Khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ là một tiến trình liên quan đến nhiều vấn đề. Trong phần này, tôi sẽ trình bày những khía cạnh pháp lý liên hệ đến việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ. Tôi nhấn mạnh rằng tôi không phải là luật sư hành nghề về hình luật, tố tụng dân sự, và quen thuộc hoặc có kinh nghiệm với hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Với chút kiến thức về pháp luật Hoa Kỳ, và như mọi người khác, tôi tìm tòi về đề tài này, và muốn chia sẻ những gì tôi thu lượm, tổng hợp, hoặc học hỏi đến độc giả. Tuy tôi cố gắng đem lại sự chính xác trong bài này, tôi tin rằng sẽ có nhiều sơ sót hoặc sai lầm. Tôi mong mỏi các luật sư hoặc chuyên gia về pháp luật quen thuộc với hệ thống pháp luật tại Việt Nam chỉ dẫn, sửa chữa, hoặc bổ túc những thiếu sót. 

Trong bài này, tôi đề cập chính yếu về các khía cạnh pháp lý theo luật Việt Nam hiện nay. Trong vài trường hợp, tôi cũng đề cập đến các khía cạnh pháp lý Hoa Kỳ để so sánh hoặc để giúp giải thích vấn đề vì "[h]ệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ có thể được biện luận là hệ thống có ảnh hưởng nhất trên thế giới" (Thaman 2010, 3). Ta nên biết Việt Nam theo hệ thống luật dân sự (civil law) áp dụng cơ chế điều tra (inquisitorial). Ngược lại, Hoa Kỳ theo hệ thống thông luật (common law) dùng cơ chế đối nghịch (adversarial). Điều đó không có nghĩa là hai quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn toàn khác nhau, vì thực ra ít có quốc gia nào giữ các tính chất hệ thống pháp luật một cách thuần túy mà thường có sự trộn lẫn. Ngoài ra, một quốc gia mà có thể chế chính trị chi phối tính chất độc lập của ngành tư pháp, thí dụ như Việt Nam, thì cho dù theo một hệ thống nào cũng đều không có tác dụng gì. Tuy nhiên, trong bài này, tôi giả sử hệ thống pháp luật tại Việt Nam trong bối cảnh khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ sẽ có tính chất văn minh theo các tiêu chuẩn thế giới.

Có ba khía cạnh pháp lý liên hệ đến việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ: hình sự, dân sự, và tiền lệ về vụ Vedan.

1. Hình sự:

Tại Việt Nam hiện nay có hai bộ luật hình sự (BLHS): BLHS 1999 và BLHS 2015. Theo tin mới nhất khi bài này được viết (cuối tháng 7-2016), hiệu lực thi hành của BLHS 2015 và các luật liên quan sẽ được lùi từ ngày 1-7-2016 cho tới ngày Luật được sửa đổi và bổ sung (TTPL 2016). Trong thời gian này, theo nghị quyết 144/2016/QH13, BLHS 1999 sẽ được áp dụng (tlđd.).

Các khía cạnh hình sự trong việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ gồm có: pháp nhân thương mại, thương lượng nhận tội (plea bargain), quyết định truy tố hình sự, và tội phạm về môi trường.

a) Pháp nhân thương mại:

Pháp nhân thương mại là một thực thể pháp lý hoạt động là một cơ sở thương mại được coi là "người" trong việc tố tụng. Trên lý thuyết, một công ty có thể bị truy tố bất cứ tội phạm nào mà một cá nhân có thể bị truy tố (Garrett 2014, 5). Ngoài ra tuy có những luật tại các quốc gia không kết án một công ty với các tội phạm đòi hỏi ý định rõ rệt như giết người, tại Hoa Kỳ việc này được chú trọng. Thí dụ, vụ án do tiểu bang Indiana kết tội công ty xe hơi Ford vào năm 1980 giết người khi xe Pinto bốc cháy sau khi bị đụng phía sau (Epstein 1980; Mokhiber 2015). 

Tại Việt Nam, BLHS 1999 không có điều khoản cho pháp nhân thương mại. Dường như để bổ túc cho sự thiếu sót này, BLHS 2015 ghi rõ các điều khoản cho pháp nhân thương mại (Điều 3, Khoản 2), kể cả ghi rõ các tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể bị truy tố như tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 76) và hình phạt (Điều 33, Điều 77 - Điều 82).

Tuy BLHS 1999 không có điều khoản cho pháp nhân thương mại, cuộc khởi tố hình sự FHTS vẫn có thể được tiến hành qua việc khởi tố các viên chức của FHTS và các cá nhân khác. Ngoài ra, FHTS vẫn có thể bị kiện dân sự là một tổ chức theo Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015, hoặc pháp nhân theo Bộ Luật Dân Sự 2005 như sẽ được thảo luận sau.

b) Quyết định truy tố hình sự:

Thông thường, quyết định truy tố hình sự nằm trong tay công tố viên hay biện lý (prosecutor, District Attorney). (Tôi dùng "công tố viện" để chỉ cơ quan truy tố tội phạm và "công tố viên" để chỉ người đứng ra truy tố.) Tại Việt Nam, nhiệm vụ này do Viện Kiểm Sát đảm nhận.

Tại Hoa Kỳ, quyền truy tố hình sự này nằm trong tay công tố viện gần như tuyệt đối, nghĩa là công tố viên có toàn quyền quyết định có truy tố một nghi can hay không. Người dân hoặc nạn nhân, hoặc gia đình nạn nhân hầu như không có quyền gì trong quyết định này. Nạn nhân hoặc dân có thể gây áp lực chính trị, qua biểu tình, hội họp phản kháng, báo chí, truyền thông, mạng xã hội, hoặc kêu gọi công chúng hoặc đại biểu dân gây áp lực với công tố viện; nhưng không có một khí cụ pháp luật hữu hiệu nào để buộc công tố viên khởi tố một nghi can.

Tại nhiều quốc gia khác, nhiệm vụ truy tố của công tố viện thường khá khắt khe và công tố viện thường không được nhiều tự do tùy nghi trong việc quyết định truy tố như ở Hoa Kỳ. Nếu công tố viện không chịu truy tố một nghi can, các quốc gia này (thí dụ, Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha) có thể thức cho phép nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân (nếu nạn nhân chết) bắt công tố viện phải truy tố, hoặc ngay cả chính họ truy tố như là người truy tố tư nhân (Thaman 2010, xxiii).

NCQCS tại Việt Nam có thể dựa vào việc các viên chức FHTS đã nhận lỗi, xin lỗi, và hứa bồi thường để miễn trách nhiệm hình sự. Khoản 2, Điều 25 (BLHS 1999) miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trong vài trường hợp, thí dụ như "tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm" (HTVBQPPL 1999). Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho các viên chức FHTS vì khoản 2 này quy định rõ điều kiện là "[t]rong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác" (tlđd. Nhấn mạnh thêm.) Ở đây, các viên chức lãnh đạo FHTS chỉ đứng ra nhận tội và xin lỗi cả mấy tháng sau khi hành vi phạm tội của FHTS bị phát giác. Điều 25 cho thấy pháp luật Việt Nam không cho phép miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trong vụ FHTS dựa vào lý do khoan hồng. Do đó, Viện Kiểm Sát bắt buộc phải khởi tố FHTS. Việc FHTS được xử trắng án, phạm tội hay có thương lượng nhận tội thì tính sau.

Tại Việt Nam, tôi không rõ có cơ chế nào cho phép người dân tham gia trong việc khởi tố, hoặc yêu cầu tòa ra chỉ thị buộc Viện Kiểm Sát truy tố một nghi can (tương tự như Writ of Mandamus tại Hoa Kỳ).

c) Thương lượng nhận tội: 

Một việc kỳ lạ nhất trong vụ FHTS là các viên chức cao cấp của công ty này tự nhận lỗi và chịu bồi thường 500 triệu đô la Mỹ. Chuyện kỳ lạ là đã có một cuộc thương lượng giữa NCQCS tại Việt Nam và cấp lãnh đạo của FHTS, mà không có báo cáo nào về diễn tiến cuộc thương lượng và sự can thiệp của tòa án để xác định mức độ vi phạm, những viên chức (của FHTS và NCQCS) chịu trách nhiệm, nạn nhân, số tiền bồi thường, thời hạn nộp tiền bồi thường, và sự thành lập quỹ để phân phối số tiền bồi thường tới các nạn nhân. 

Thương lượng nhận tội (plea bargain) trong hình sự là một thể thức rất thông dụng ở Hoa Kỳ, và cũng dầ̉n đang thịnh hành ở các quốc gia theo thể chế dân luật hoặc điều tra (Wikipedia 2016f). Mục đích chính của thương lượng nhận tội là giảm bớt phí tổn, thì giờ, trong việc truy tố hình sự. Tại Hoa Kỳ, hơn 90% những vụ hình sự được giải quyết bằng thương lượng nhận tội. Trong thương lượng nhận tội, công tố viên và nghi can hay bị cáo thương lượng về tội phạm truy tố và/hoặc hình phạt. Thông thường, nghi can hay bị cáo đồng ý nhận tội để đổi lại bản án nhẹ hơn hoặc hình phạt nhẹ hơn. 

Đối với các bị cáo công ty, xí nghiệp, tập đoàn, hoặc cơ sở thương mại to lớn vi phạm tội nặng (thí dụ, lừa đảo, gian lận tài chánh, hối lộ, ô nhiễm môi trường), công tố viên thường dùng thương lượng nhận tội vì chính phủ nhiều khi không có đủ ngân quỹ và nhân sự để tranh luận với các luật sư của bị cáo tại tòa án. Tại Hoa Kỳ, chuyện ngược đời là cuộc chiến giữa công tố viên chính phủ và các luật sư của công ty bị cáo thường được gọi là cuộc chiến giữa David và Goliath với chính phủ đóng vai trò David và công ty bị cáo đóng vai trò kẻ khổng lổ Goliath (Garrett 2014, 1). Câu "quá lớn không thể bỏ tù được" (too big to jail) dùng để chỉ sự khó khăn trong việc truy tố những tập đoàn, xí nghiệp, công ty quá lớn, quá phức tạp (Garrett 2014, 2). Một trong những mối lo ngại "quá lớn không thể bỏ tù được" là những công ty này đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế nên công tố viên không bắt họ chịu trách nhiệm về tội phạm của họ (tlđd., 252). Trong việc khởi tố FHTS, mối lo ngại này không có giá trị vì FHTS không thực sự quá lớn so với hệ thống tư pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, FHTS không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương mà lại còn được hưởng nhiề̉u đặc quyền.

Tuy thương lượng nhận tội là thể thức thông thường tại Hoa Kỳ, thể thức này không bao giờ là một thể thức tùy nghi của công tố viện, hoặc diễn ra giữa viên chức chính quyền với nghi can/bị cáo như hai phe tư nhân. Tất cả mọi cuộc thương lượng nhận tội đều phải được tòa chấp thuận (Wikipedia 2016f) để bảo đảm sự công bằng và tránh việc công tố viện lạm dụng quyền hành chèn ép nghi can/bị cáo hoặc quá nhân nhượng nhẹ tay với nghi can/bị cáo.

Việc nhận lỗi và hứa bồi thường của FHTS là một sự kiện kỳ quặc vì không có sự tham dự của cơ quan tư pháp và chấp thuận của tòa án. Như sẽ được trình bày sau, NCQCS tại Việt Nam cần phải hợp thức hóa việc này qua chấp thuận tòa án càng sớm càng tốt để duy trì hiệu lực cho các cam kết và hứa hẹn của FHTS.

d) Tội phạm liên quan trong việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ:

Các tội phạm do FHTS gây ra không chỉ về ô nhiễm môi trường mà còn gồm có những tội phạm liên quan đến phá hoại cơ sở vật chất, tài sản, quản lý và tàng trữ các chất độc. Luật sư Lê Luân, trên trang Facebook cá nhân, liệt kê các tội danh có thể được dùng để truy tố các viên chức FHTS và "các quan chức có trách nhiệm liên quan" (Lê 2016), thí dụ như tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật (Điều 85), tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 144), tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182), tội đưa chất thải nguy hại vào Việt Nam (Điều 185), tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188). Ngoài ra, "đối với những kẻ ăn chặn, ăn bớt tiền, gạo cứu trợ các ngư dân trong thảm hoạ cá chết thời gian vừa qua có thể khởi tố, truy tố và xét xử về tội: Tội cố ý làm trái các quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (Điều 169)." (Lê 2016).

BLHS 1999 dành một chương riêng biệt (Chương XVII) với tựa đề "Các Tội Phạm Về Môi Trường." Điều này cho thấy tầm nghiêm trọng của tội phạm này. Ta nên ghi nhận là BLHS 2015 cũng dành một chương (Chương XIX) với cùng tựa đề nhưng có nhiều điều khoản với nhiều chi tiết hơn. Đặc biệt, trong BLHS 1999, Điều 183 ("Tội gây ô nhiễm nguồn nước") có 4 khoản. Khoản 1, quy định, "Người nào thải vào nguồn nước... hoá chất độc hại,... các chất thải,... hoặc các yếu tố độc hại khác,..., thì bị... " Điều 188 ("Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản"), Khoản 1, quy định, "Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản... gây hậu quả nghiêm trọng..., thì bị...

Một việc quan trọng là xác định các tác nhân gây hại. Ngoài FHTS, còn có những tác nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, vô tình hay cố ý, trong các tội phạm này, kể cả những viên chức của NCQCS, hiện chức hay đã về hưu, và các cá nhân, công ty, và cơ quan có khế ước hợp đồng với FHTS. Việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ, giả sử được tiến hành một cách công minh theo như quy định trong Bộ Luật Hình Sự, sẽ có những điều tra để phanh phui ra những kẻ có tội hoặc chịu trách nhiệm cho tội phạm.

2. Dân sự:

Có ba bộ luật liên hệ đến việc kiện cáo dân sự do người dân đứng ra làm nguyên đơn: Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (BLTTDS) năm 2015, Bộ Luật Dân Sự (BLDS) năm 2005, và Luật Bảo Vệ Môi Trường (LBVMT) năm 2014. (Có Luật Khiếu Nại năm 2011 nhưng tôi không nghĩ rằng việc khiếu nại tới các cơ quan của NCQCS sẽ có kết quả.)

Tố tụng dân sự là việc người dân kiện cáo người khác, kể cả kiện cáo nhóm cầm quyền. Tố tụng dân sự xảy ra qua tư pháp và được xét xử tại tòa án giữa hai phe: nguyên đơn và bị đơn. Luật tố tụng dân sự khác với luật dân sự. Luật tố tụng dân sự chú trọng đến thể thức hoặc hình thức của một vụ kiện trong khi luật dân sự chú trọng vào nội dung của vụ kiện. 

a) Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (BLTTDS) 2015:

BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2016. Các điều khoản cùa Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về việc kiện tập thể cũng tương tự như Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Có hai khía cạnh trong luật tố tụng dân sự liên hệ đến vụ khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ: kiện tập thể và kiện công ty hoặc viên chức của công ty.

Một cách tổng quát, BLTTDS 2015 có quy định cho kiện tập thể, tương tự như class action tại các quốc gia Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Khoản 1, Điều 42 cho phép vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan được nhập vào một vụ án (TTPL 2015). Điều 188 ("Phạm vi khởi kiện"), Khoản 2, BLTTDS 2015, quy định, "Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án" (tlđd.).

Nạn nhân của bốn tỉnh miền Trung nên hội họp lại và cùng khởi kiện tập thể, có thể bốn vụ cho bốn tỉnh, một vụ cho cả bốn tỉnh, hoặc bất cứ kết hợp nào thuận tiện. Việc này cần phải có sự giúp đỡ của nhiều luật sư. Điểm quan trọng là cần phải có thông báo rõ rệt cho mọi người để người dân sống trong vùng biết quyền lợi mình và ghi danh cho việc kiện tập thể. Những nạn nhân bị thiệt hại khác với nhiều người do tình trạng đặc biệt, thí dụ tổn thương đến thân thể hoặc các tài sản vật chất, có thể kiện cá nhân riêng rẽ hoặc trong một nhóm khác, nhưng cũng nên có luật sư lo liệu giấy tờ.

b) Bộ Luật Dân Sự (BLDS) 2005:

Bộ Luật Dân Sự (BLDS) 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Từ nay cho tới ngày đó, BLDS 2005 (số 33/2005/QH11) có hiệu lực. Do đó trong việc khởi kiện FHTS, BLDS 2005 là bộ luật được áp dụng.

Có hai khía cạnh trong BLDS 2005 liên hệ đến việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ: pháp nhân và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

Về pháp nhân, BLDS 2005 xác định pháp nhân. Điều 84 liệt kê các điều kiện của một pháp nhân. Điều 100 liệt kê các loại pháp nhân gồm có cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế (HTVBQPPL 2005). Dưới các điều này, FHTS và các cơ quan trong NCQCS coi như là pháp nhân và có thể bị kiện cáo.

Về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, BLDS 2005 quy định rõ rệt điều này. Điều 624 ("Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường") trong Mục 3 ("Bồi Thường Thiệt Hại Trong Một Số Trường Hợp Cụ Thể") quy định, "Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi" (tlđd.). Câu "kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi" có tác dụng mạnh mẽ mặc dù câu "không có lỗi" có thể gây hiểu lầm. Theo tôi, điều này hàm ý việc gây ô nhiễm đưa đến trách nhiệm tuyệt đối (strict liability), nghĩa là việc đó không cần phải tìm lỗi là gì, miễn là việc đó xảy ra thì người chịu trách nhiệm coi như là có tội. Thí dụ trong vụ chủ nhân trung tâm phục hồi cho cọp. Không cần biết chuồng cọp có kiên cố cách mấy, nếu con cọp thoát ra khỏi chuồng và gây thương tích cho ai, thì chủ nhân bị trách nhiệm (Wikipedia 2016a).

c) Luật Bảo Vệ Môi Trường (LBVMT) 2014:

LBVMT 2014 hoàn toàn về các tai hại môi trường, và đặc biệt phù hợp với vụ kiện FHTS. Khoản 1, Điều 162 ("Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường") quy định, "Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật" (HTVBQPPL 2014). Khoản 2, Điều 163 ("Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường") quy định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm có "Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra" (HTVBQPPL 2014).

LBVMT 2014 có thể được dùng cùng với BLDS 2005 trong việc kiện FHTS đòi bồi thường. Đặc biệt, LBVMT 2014 liệt kê rõ những thiệt hại, kể cả tính mạng, sức khỏe và tài sản, được quyền đòi bồi thường. Trường hợp anh Lê Văn Ngày có thể được kiện dưới điều này. Ngoài ra, những ngư dân bị thiệt hại sức khỏe do độc tố của chất thải cũng nên kiện dưới điều luật này. Việc thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe có thể được kiện cùng với các thiệt hại về tài sản hoặc thu nhập.

3. Tiền lệ về vụ kiện Vedan:

Vụ thảm họa môi trường do công ty Vedan gây ra là một tiền lệ mạnh mẽ cho vụ khởi tố FHTS. Năm 2008, công ty Vedan, một xí nghiệp Đài Loan sản xuất bột ngọt, bị phát giác là gây thảm họa môi trường. tại sông Thị Vải, và liên hệ đến ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Sài Gòn (Hill 2010). Vedan bị tố cáo là đã xả nước thải độc hại vào sông Thị Vải trong 14 năm. Hàng ngàn dân sống về buôn bán tôm cá cho rằng nước độc hại tại sông ngòi đã giết tôm cá và hủy hoại đất trồng trọt dọc theo bờ sông.

Trong vụ chuẩn bị kiện công ty Vedan, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động đoàn luật sư với gần 50 người để hướng dẫn dân khởi kiện, và còn tạm ứng án phí cho người dân nếu cần. Vào tháng 8 năm 2010, Vedan nhận trách nhiệm và hứa bồi thường 11.5 triệu đô la cho những nạn nhân trong ba tỉnh bị ảnh hưởng (Hill 2010; VNExpress 2010a; VNExpress 2010b).

Vụ kiện Vedan năm 2010 có thể được dùng như một mô hình cho các vụ kiện FHTS. Với vụ án Vedan là tiền lệ, NCQCS tại Việt Nam không thể không giúp đỡ và khuyến khích các nạn nhân trong bốn tỉnh miề̉n Trung khởi kiện FHTS và các kẻ gây hại liên hệ. Nếu không theo tiền lệ Vedan mà không khởi kiện FHTS, NCQCS tại Việt Nam sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Đó là tiền lệ không truy tố công ty vi phạm luật ô nhiễm môi trường. Sau này, sẽ có những kẻ vi phạm dùng tiền lệ không truy tố này để chạy chữa cho tội phạm.

B. Những Vụ Khởi Tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ:

Việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ là việc cần thiết vì việc đó đem lại công lý cho xã hội kể cả trừng phạt những kẻ phạm tội (những viên chức trong NCQCS, công ty FHTS, và các công ty hoặc tổ chức liên hệ), và bồi thường cho những nạn nhân gồm có giới ngư dân trong vùng thảm họa và các cá nhân, công ty, cơ sở thương mại bị ảnh hưởng liên hệ (thí dụ, chợ búa, nhà hàng, phân phối hải sản, du lịch). Ngoài ra, việc khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ được cho phép trong phạm vi pháp luật do NCQCS ban hành như đã trình bày ở trên. Các văn bản về luật hình sự, luật tố tụng dân sự, luật dân sự, và luật bảo vệ môi trường có những điều khoản rõ ràng với chi tiết đặc thù thích ứng cho việc khởi tố hình sự và dân sự FHTS, các cơ quan trong NCQCS, các công ty hoặc tổ chức liên hệ (thí dụ có hợp đồng với FHTS), và các viên chức hoặc nhân viên của họ. Thêm nữa, việc khởi tố FHTS có tiền lệ do vụ thảm họa môi trường tại vùng sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra.

Khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ có thể được thực hiện qua những việc sau:

1. Khởi tố hình sự: 

Viện Kiểm Sát có trách nhiệm khởi tố (1) một hay nhiều viên chức của FHTS; (2) một hay nhiều viên chức của NCQCS; và (3) một hay nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại, doanh nghiệp, hoạt động trong hợp đồng với FHTS. Viện Kiểm Sát có thể truy tố các viên chức hoặc các cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại này dưới tội danh gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183), huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188), và các tội phạm khác liên hệ (thí dụ, tham nhũng, vô trách nhiệm), như được liệt kê bởi luật sư Lê Luân (Lê 2016).

Ngoài việc xả thải độc tố vào vùng biển miền Trung, FHTS còn vi phạm các tội phạm khác thí dụ như vận chuyển bùn thải. Các cá nhân, cơ sở thương mại, công ty thi hành khế ước với FHTS cũng có trách nhiệm pháp luật hình sự và dân sự. Một thí dụ là Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh. Trong hơn hai tháng, ngay cả sau khi vụ cá chết bắt đầu được phát giác, FHTS ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh vận chuyển, đưa 267,83 tấn bùn thải đi xử lý. Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh lại đưa số bùn thải trên đi chôn lấp ở trang trại ở phường Kỳ Trinh và Công viên Môi trường (PLO 2016). Vào ngày 29 tháng 7 năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Tĩnh, cho biết hiện chưa khởi tố vụ án này vì "vụ việc đang được tiếp tục điều tra" và Bộ TN&MT "chưa công bố kết quả phân tích" (tlđd.).

Các hình phạt sẽ thích ứng cho tội phạm. Thông thường, các hình phạt căn bản gồm có: tù, phạt tiền, cấm hoạt động. Với FHTS, NCQCS có thể có những hình phạt thích ứng như đình chỉ mọi hoạt động, vô hiệu hóa mọi hợp đồng ký kết với NCQCS, thu hồi giấy phép, và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra, NCQCS có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật hành chính với các viên chức phạm tội như cách chức, giáng chức, trừ lương, và các biện pháp kỷ luật khác.

2. Kiện dân sự: 

Nạn nhân hoặc người bị hại có thể kiện cá nhân hay tập thể FHTS, một hay nhiều cơ quan của NCQCS tại Việt Nam, và các cá nhân, tổ chức, cơ sở thương mại, doanh nghiệp, hoạt động trong hợp đồng với FHTS, để đòi hỏi bồi thường cho những thiệt hại do thảm họa môi trường. Nạn nhân gồm có: (1) những ngư dân bị chết hoặc bị thương, mắc bệnh do nhiễm phải độc tố xả trong biển; (2) những ngư dân và gia đình sinh sống bằng nghề đánh cá, thu thập hải sản, và các hoạt động về biển tại các vùng liên hệ; (3) những người buôn bán (thí dụ chợ búa, nhà hàng), tiểu thương, cơ sở thương mại hành nghề dựa vào xuất cảng, hải sản, chuyên chở, và du lịch trong các vùng liên hệ; và (4) nạn nhân cho hệ lụy của sự suy đồi kinh tế và các hoạt động xã hội trong vùng do ô nhiễm môi trường gây ra. 

Các nạn nhân cần phải được thông báo đầy đủ quyền lợi của mình tham gia việc khởi kiện. Để tránh trường hợp có nhiều vụ kiện lẻ tẻ hoặc nhiều nạn nhân không biết bắt đầu từ đâu, các tổ chức xã hội, từ thiện, tình nguyện, tôn giáo, hoặc luật sư đoàn nên phối hợp chặt chẽ và cử ra một ủy ban hoặc tổ chức đại diện liên lạc với mọi nạn nhân trong vùng. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có ý kiến rằng "người dân các tỉnh miền Trung có thể đề nghị một tổ chức nào đó đứng ra giúp họ thu thập chứng cứ và làm đơn tập thể khởi kiện ra tòa" (Nguoidothi 2016).

Một vấn đề có thể gây rắc rối là NCQCS đã có thương lượng với FHTS với số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Tôi không rõ các luật sự đại diện nạn nhân có thể kiện để vô hiệu hóa cuộc thương lượng này hoặc tái thẩm định số tiền bồi thường để đòi bồi thường cao hơn. Lý do vô hiệu hóa hoặc tái thẩm định số tiền bồi thường rất đơn giản. NCQCS không có sự cho phép của nạn nhân để đại diện họ trong việc thương lượng hoặc nhận số tiền bồi thường này, nhất là không có cơ sở tính toán chính xác các thiệt hại.

C. Những lý do khiến NCQCS bắt buộc phải tiến hành việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ:

Vấn đề là NCQCS có thúc đẩy việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ hay không. Nhiều người cho rằng NCQCS không đời nào dám truy tố các viên chức trong FHTS hoặc trong NCQCS, hoặc giúp đỡ, khuyến khích những nạn nhân theo đuổi kiện dân sự FHTS đòi bồi thường. Theo tôi, NCQCS không còn cách gì hay hơn là phải tiến hành việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ, hình sự và/ hoặc dân sự, trừng phạt các viên chức trong NCQCS, hiện chức hay đã về hưu, và giúp đỡ nạn nhân khởi kiện FHTS đòi bồi thường. 

Sau đây là những lý do buộc NCQCS phải tiến hành những việc này.

1. Hợp thức hóa cuộc thương lượng nhận tội: 

Bằng cách truy tố hoặc kiện FHTS, NCQCS mới có thể hợp thức hóa cuộc thương lượng này, và có dịp đặt ra những chi tiết cụ thể như xác định mức độ vi phạm của FHTS, xác định và phân loại những nạn nhân, thiết lập quỹ bồi thường nạn nhân, xác định hình phạt (thí dụ, giam cầm, phạt, bồi thường, vô hiệu hóa các hợp đồng đã ký kết, đình chỉ hoạt động, trục xuất ra khỏi Việt Nam), ấn định cơ cấu trông coi việc thi hành án lệnh (thí dụ, kiểm soát hành vi FHTS trong tương lai), duyệt xét lại toàn bộ các hợp đồng ký kết với FHTS để sửa chữa các sai sót, lỗ hổng. Một khi cuộc thương lượng nhận tội được hợp thức hóa, NCQCS tại Việt Nam mới có thể có dịp huy động các nhân viên thi hành pháp luật (cảnh sát, công an) gây áp lực FHTS và buộc FHTS thực hiện những gì đã cam kết.

2. Trấn an dân tình:

Hiện nay lòng dân đang sôi sục và chỉ chờ có dịp là bùng nổ. NCQCS tại Việt Nam thừa biết sự căm hận của dân Việt đối với Tàu cộng và với NCQCS như thế nào. Tuy FHTS là công ty Đải Loan, FHTS có nhiều hợp đồng với các công ty Tàu cộng trong việc xây cất và hoạt động tại FHTS, và một số nhân viên làm việc tại FHTS là người Tàu từ lục địa. Tức nước vỡ bờ, người dân sẽ nổi lên, và lúc đó sẽ không có gì cản được. 

Bằng cách truy tố hoặc kiện FHTS, NCQCS có thể làm giảm bớt cơn sôi sục của dân phần nào và trấn an dân tình, để được tồn tại thêm một thời gian. Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng nếu không giải quyết ổn thỏa, "sẽ có những vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, chưa kể khả năng các thế lực thù địch sẽ có những tác động lợi dung" (Thanh Niên 2016c). Nỗi lo sợ tưởng tượng về "thế lực thù địch" bắt buộc NCQCS phải khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ vì nếu không, dân sẽ biết NCQCS chỉ bịa đặt ra "thế lực thù địch" để che giấu sự thật là chính người dân, chứ không phải "thế lực thù địch" nào xúi giục, thù ghét NCQCS.

3. Chứng tỏ cho thế giới biết Việt Nam tôn trọng môi trường và có pháp luật nghiêm minh: 

Khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ là dịp để NCQCS huênh hoang với thế giới là Việt Nam là quốc gia tôn trọng môi trường và có pháp luật nghiêm minh trừng trị những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khởi tố FHTS sẽ khiến các công ty ngoại quốc ngần ngại đầu tư vào Việt Nam khi mà Việt Nam đang chập chững tham gia thị trường quốc tế, nhất là khi công ty vi phạm nhận lỗi và hứa theo đúng pháp luật. Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, " Người Việt Nam có câu 'Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại'... Việt Nam... có chính sách hết sức khoan hồng, độ lượng để thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài nếu có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ được xem xét..." (Thanh Niên 2016b).

Ý kiến này là một ý kiến sai lạc, "suy bụng ta ra bụng người," cho thấy sự kém hiểu biết của các viên chức trong NCQCS tại Việt Nam về tinh thầ̉n làm việc của các công ty ngoại quốc. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng đại khái, hầu hết các công ty kỹ nghệ to lớn trên thế giới chỉ muốn đầu tư vào các quốc gia có pháp luật nghiêm minh và rõ rệt để họ không phải bận tâm đối phó những chuyện mơ hồ, thiếu minh bạch. Ngoài ra, với các công ty kỹ nghệ to lớn, họ thâu lợi tức không phải do tiết kiệm chi tiêu đổi lấy hủy hoại môi trường, mà là do cạnh tranh công bằng, sản xuất lương thiện, và phát triển sáng tạo công nghệ. Các công ty kỹ nghệ to lớn không thể chấp nhận việc một công ty khác nhận được sự "khoan hồng" sau khi vi phạm luật lệ, trong khi họ phải tốn kém biết bao nhiêu để tránh vi phạm luật lệ.

NCQCS tại Việt Nam sẽ không thể nào hiểu được tại sao vào năm 2008 công ty Siemens bỏ ra 500 triệu đô la trong việc điều tra nội bộ, trả 800 triệu đô la cho một hãng luật để điều tra, và thêm 100 triệu đô la cho một công ty kế toán bới móc sổ sách của chính họ, để trả lời mối đe dọa truy tố của chính quyền liên bang Hoa Kỳ về tội hối lộ các viên chức chính quyền của nhiều quốc gia. Làm sao NCQCS có thể hiểu được Siemens trả hàng trăm triệu đô la cho luật sư phơi bày tội phạm của chính họ, không những tội đang bị chính phủ hăm he truy tố mà còn cả chục tội khác mà chính phủ chưa biết (Garrett 2014, 10). Bỏ ra 1,4 tỉ đô la để̀ tự khám phá ra tội phạm mình và đồng ý nộp phạt 1,6 tỉ đô la do kết quả của sự tự tố cáo của mình nghe không có vẻ khôn ngoan đối với NCQCS. Tuy nhiên, có những yếu tố quan trọng hơn đối với các công ty kỹ nghệ to lớn như Siemens. Tiếng tăm của công ty, viễn ảnh bị phạt nặng, và mất cơ hội có khế ước thương mại với chính quyền trong tương lai là những lý do tại sao công ty Siemens chịu "vạch áo cho người xem lưng" và chịu bị phạt 1,6 tỉ đô la. 

4. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương:

Dự thảo cho Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement, viết tắt TPP) được ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand, kết thúc bảy năm thương lượng. Hiện nay, hiệp định này đang chờ được phê chuẩn để có hiệu lực (Wikipedia 2016g). Một trong những điều kiện quan trọng trong TPP là các điều kiện về môi trường. Bảo vệ biển, rừng, và chim muông thú hoang dã, là mục tiêu then chốt của môi trường trong TPP. Các điều khoản về môi sinh trong TPP đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có các thủ tục tư pháp và hành chính công bằng và minh bạch trong việc thi hành luật môi trường, và có những trừng phạt hoặc sửa chữa thích đáng cho các vi phạm luật môi trường (USTR).

Bằng cách khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ, NCQCS sẽ chứng tỏ cho các quốc gia thành viên trong TPP sự tôn trọng môi trường với luật lệ nghiêm minh và các thủ tục tư pháp công bằng và minh bạch. NCQCS đang bị khó khăn với Hoa Kỳ về các thành tích chà đạp nhân quyền và các vấn đề về tổ chức lao động. Ngoài ra, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ, sẽ không ủng hộ TPP. Nếu Clinton đắc cử Tổng thống, Hoa Kỳ rất có thể sẽ không phê chuẩn TPP. NCQCS do đó cần tạo một thành tích tốt đẹp dưới mắt các quốc gia thành viên trong TPP để hy vọng TPP được phê chuẩn thành công.

5. Tránh việc tạo ra một tiền lệ mâu thuẫn với tiền lệ Vedan:

Bằng cách khởi tố FHTS và khuyến khích giúp đỡ dân khởi kiện FHTS, NCQCS tại Việt Nam tránh tạo ra thêm một tiền lệ đối nghịch lại với tiền lệ Vedan như đã trình bày ở trên. Trong một quốc gia có pháp luật công minh, không thể nào có hai tiền lệ mâu thuẫn nhau. Sau này các tác nhân vi phạm luật sẽ không dựa vào hai tiền lệ khác biệt này để biện luận cho hành vi phạm pháp của họ.

6. Xác định quyền hành, ranh giới trách nhiệm, và củng cố nội bộ NCQCS:

Bằng cách khởi tố FHTS và vạch mặt chỉ tên những viên chức trong NCQCS có trách nhiệm hình sự hay dân sự, phe phái trong NCQCS sẽ có dịp củng cố nội bộ và "lập công" với dân. Tuy lý do này không bao giờ được chính thức xác nhận, nhưng nó phản ảnh thực chất của cơ cấu NCQCS. Đây là dịp những phe phái tranh giành quyền lực xác định quyền hành và ranh giới trách nhiệm. Sẽ có chạy chọt, đút lót, trốn tội, đùn đẩy trách nhiệm, xin xỏ, thương lượng, hăm dọa, và đủ mọi mánh khóe, nhưng cũng là dịp thanh lọc hàng ngũ. Sẽ có kẻ giơ đầu chịu báng, nhưng đó là giá phải trả trong việc phục vụ NCQCS tại Việt Nam.

7. Duy trì công lý:

Duy trì công lý (justice) là lý do mạnh mẽ nhất và chính yếu trong việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ, nhưng có lẽ là lý do yếu nhất đối với NCQCS vì NCQCS không hiểu và không tôn trọng công lý. Tuy nhiên, tôi hy vọng NCQCS sẽ nhận ra đây là lý do mạnh mẽ nhất trong víệc truy tố FHTS và các viên chức có trách nhiệm trong NCQCS. 

Vì khuôn khổ hạn hẹp, tôi không thể phân tích chi tiết về ý nghĩa và tầm quan trọng của công lý, nhưng tôi có thể vắn tắt thảo luận vài điểm thiết yếu. Đại khái, "công lý nghĩa là cho mỗi người cái mà họ đáng được hoặc, theo nghĩa thông thường, trả mỗi người cái họ được hưởng" (Velasquez, Andre, Shanks, và Meyer, 2014). Một khái niệm liên hệ đến công lý là "công bằng" (fairness). Tuy nhiên "công lý" và "công bằng" có vài điểm khác biệt.

NCQCS tại Việt Nam biết giá trị của công lý. Họ có thể không thực sự hiểu và tôn trọng công lý, nhưng họ biết công lý là khái niệm quan trọng trong một xã hội văn minh. Do đó, NCQCS ghi nhận công lý hoặc công bằng trong các văn kiện chính thức như Hiến pháp và Bộ luật hình sự. Điề̉u 3, Chương I ("Chế Độ Chính Trị"), Hiến Pháp năm 2013, khẳng định, "Nhà nước... thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện." (CHXHCNVN 2013. Nhấn mạnh thêm.) Khoản 3, Điều 102, Chương VIII ("Tòa Án Nhân Dân; Viện Kiểm Sát Nhân Dân"), Hiến Pháp năm 2013, khẳng định, "Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý,... " (CHXHCNVN 2013. Nhấn mạnh thêm.) Khoản 1, Điều 3 ("Nguyên tắc xử lý"), Bộ Luật Hình Sự 1999, quy định, "Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật." (HTVBQPPL 1999. Nhấn mạnh thêm.)

Việc khởi tố FHTS và các kẻ gây hại liên hệ là cách hữu hiệu và mạnh mẽ nhất để đem lại công lý cho mọi người. Khi đặt mục tiêu là công lý, thay vì chỉ giải quyết một vài vấn đề cho xong, chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn diện cho mọi vấn đề. 

Một phần quan trọng của việc tìm công lý là xác định kẻ gây hại và nạn nhân. Trong vụ thảm họa môi trường FHTS, nạn nhân rất dễ xác định. Đó là dân cư tại bốn tỉnh miền Trung sinh sống dựa vào ngư nghiệp và các nghề liên hệ. Tuy nhiên, xác định kẻ gây hại cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Một câu hỏi mở đầu cho việc này là: "FHTS có phải là tác nhân gây hại duy nhất trong vụ thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung hay không?" Nói cách khác, giả sử FHTS được phép hoạt động tại một quốc gia khác có điều kiện địa lý tương tự như Việt Nam, có thể nào thảm họa môi trường đó xảy ra? 

Trả lời câu hỏi đó là một bước tiến đi tới công lý. Khởi tố FHTS và các tác nhân gây hại liên hệ giúp tìm được câu trả lời đó. 

D. Kết Luận:

Ít người biết đến việc Diane Wilson, một phụ nữ hành nghề bắt tôm vùng biển tại quận Calhoun, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, đã đứng lên chống lại Formosa Plastics, công ty trong tập đoàn Formosa, là công ty mẹ của FHTS, vào năm 1989 về việc công ty này xả chất thải ra biển gây ô nhiễm môi trường gần thành phố nơi bà sinh sống. Năm 1994, bà đạt được thỏa thuận với Formosa đồng ý có phương thức zero chất thải (zero discharge) (Wikipedia 2016b; Wilson 2005, 387).

Lại còn ít người hơn biết đến việc hàng trăm người Mỹ gốc Việt, sống quanh vùng bà Wilson, đã hỗ trợ bà trong cuộc chiến chống lại Formosa Plastics. Những người Việt này tổ chức biểu tình phản đối việc cấp giấy phép cho Formosa và đòi hỏi zero chất thải trong nước xả thải. Những người Việt này "được kích động bằng năng lực tinh khiết của giấc mơ Texas mới có, và họ tin tưởng hơn ai hết" (Wilson 2005, 364). Những người Việt này đòi hỏi zero chất thải vì đó là tương lai của họ, đó là "tương lai của con cháu họ tại các vịnh Texas" (tlđd.) "Lẽ nào họ đến từ những bờ biển Việt Nam chỉ để bị xô đẩy ra khỏi Texas?" (tlđd.).

Những người Việt xa quê hương, chấp nhận quốc gia cư trú của mình là quê hương thứ hai, còn có niềm tin và giấc mơ cho tương lai họ và con cháu họ, để đoàn kết chống lại tập đoàn Formosa gây ô nhiễm môi trường cách đây gần ba mươi năm. Lẽ nào người Việt sinh sống ngay trên quê hương mình lại có thể làm ngơ trước thảm họa gây ra bởi FHTS hiện nay?

Vâng, chúng ta cần phải đứng lên đòi hỏi công lý cho anh Lê Văn Ngày, cho tất cả các nạn nhân của cuộc thảm họa kinh khủng này. Martin Luther King, Jr., người tranh đấu dân quyền tại Hoa Kỳ và đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, từng nói: "Sự bất công ở bất cứ nơi nào là mối đe dọa cho công lý khắp nơi" ("Injustice anywhere is a threat to justice everywhere.") Người Việt khắp nơi không thể nào làm ngơ trước sự bất công tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam. Chúng ta phải hành động, và hành động ngay tức khắc vì "công lý trì hoãn là công lý bị khước từ" ("Justice delayed is justice denied.")

CẢM TẠ

Tôi có lời cảm tạ đến các bạn Phùng Mai, Lê Minh, Trương Minh Tịnh, Mỹ Thanh, Trần Elizabeth, Nguyễn Bửu, và Trang Tiêu đã đóng góp ý kiến trong việc viết bài này. Tuy nhiên, chỉ có tôi là người có trách nhiệm về mọi sai sót trong bài.

Tài Liệu Tham Khảo:

1- tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

2- BBC Tiếng Việt. 2016. Dân có thể kiện doanh nghiệp để tòa xử. 30-6-2016. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160630_hangout_fish_death_cause_declared (truy cập 29-7-2016).

3- Báo Mới. 2016a. Người dân có thể khởi kiện Formosa. 1-7-2016. http://www.baomoi.com/nguoi-dan-co-the-khoi-kien-formosa/c/19749410.epi (truy cập 29-7-2016).

4- _________. 2016b. Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: 'Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?' 18-7-2016. http://www.baomoi.com/noi-nghi-hoac-ve-cai-chet-cua-tho-lan-formosa-le-van-ngay-anh-toi-chet-vi-suy-tim-cap-u/c/19876146.epi (truy cập 30-7-2016).

5- _________. 2016c. Gia đình thợ lặn Formosa Lê Văn Ngày: DN lờ trách nhiệm với người lao động bị tai nạn. 19-7-2016. http://www.baomoi.com/gia-dinh-tho-lan-formosa-le-van-ngay-dn-lo-trach-nhiem-voi-nguoi-lao-dong-bi-tai-nan/c/19884871.epi (truy cập 30-7-2016).

6- Garrett, Brandon L. 2014. Too Big To Jail - How Prosecutors Compromise with Corporations. Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts, U.S.A.

7- Hill, Bo. 2010. Firm pays up after pollution destroyed river. 12-8-2010. http://www.abc.net.au/news/2010-08-12/firm-pays-up-after-pollution-destroyed-river/942224 (truy cập 28-7-2016).

8- HTVBQPPL (Hệ Thống Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật). 1999. Bộ Luật Hình Sự. http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=6163 (truy cập 25-7-2016).

9- _________. 2005. Bộ Luật Dân Sự. 14-6-2005. http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18147 (truy cập 25-7-2016).

10- _________. 2014. LUẬT - Bảo Vệ Môi Trường. 23-6-2014. http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29068 (truy cập 29-7-2016).

11- CHXHCNVN (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 2013. Hiến Pháp. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10052990 (truy cập 25-7-2016).

12- Dân Trí. 2016. Không khởi tố vụ án thợ lặn ở Formosa bị chết. 21-7-2016. http://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-khoi-to-vu-an-tho-lan-o-formosa-bi-chet-20160721073532336.htm (truy cập 25-7-2016).

13- Epstein, Richard. 1980. Is Pinto a criminal? Regulation, March/ April 1980. http://object.cato.org/sites/cato.org/files/serials/files/regulation/1980/3/v4n2-4.pdf (truy cập 27-7-2016).

14- Lê, Luân. 2016. CĂN CỨ KHỞI TỐ VỤ ÁN FORMOSA. 1-7-2016. https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/1765376363706141 (truy cập 28-7-2016).

15- MLBVN (Mạng Lưới Blogger Việt Nam). 2016. Phóng sự về cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngày đã tử nạn sau khi lặn tại Formosa tháng 4/2016. 6-7-2016. http://danlambaovn.blogspot.com/2016/07/phong-su-ve-cai-chet-cua-tho-lan-le-van.html (truy cập 27-7-2016).

16- Mokhiber, Russell. 2015. 20 Things You Should Know About Corporate Crime. 24-3-2015. http://hlrecord.org/2015/03/20-things-you-should-know-about-corporate-crime/ (truy cập 27-7-2016).

17- Nguoidothi. 2016. Vụ cá chết hàng loạt: Dân miền Trung cần khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại. 3-7-2016. http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/4199/vu-ca-chet-hang-loat-dan-mien-trung-can-khoi-kien-formosa-doi-boi-thuong-thiet-hai.ndt (truy cập 29-7-2016).

18- PLO. 2016. Chưa khởi tố vụ án chôn chất thải từ Formosa. 29-7-2016. http://plo.vn/phap-luat/chua-khoi-to-vu-an-chon-chat-thai-tu-formosa-643647.html (truy cập 29-7-2016).

19- RFA. 2016. Chất thải của Formosa ở Hà Tĩnh ảnh hưởng hơn 200 ngàn người. 29-7-2016. http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-says-taiwan-firm-s-pollution-affected-200000-people-07292016090943.html (truy cập 29-7-2016).

20- Thaman, Stephen C. (Ed.). 2010. World Plea Bargaining. Consensual Procedures and the Avoidance of the Full Criminal Trial. Carolina Academic Press, Durham, North Carolina, U.S.A.

21- Thanh Niên. 2016a. Mysterious death of diver adds to ongoing environmental crisis in central Vietnam. 26-4-2016. http://www.thanhniennews.com/society/mysterious-death-of-diver-adds-to-ongoing-environmental-crisis-in-central-vietnam-61565.html (truy cập 30-7-2016).

22- _________. 2016b Formosa, ‘thủ phạm’ khiến cá chết: Có khởi tố vụ án hình sự hay không? 30-6-2016. http://thanhnien.vn/thoi-su/formosa-thu-pham-khien-ca-chet-co-khoi-to-vu-an-hinh-su-hay-khong-718599.html (truy cập 28-7-2016).

23- _________. 2016c. 'Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng - an ninh'. 11-7-2016. http://thanhnien.vn/thoi-su/vu-formosa-tiem-an-lau-dai-van-de-quoc-phong-an-ninh-722053.html (truy cập 28-7-2016).

24- Tong, Linh. 2016. Vietnam Fish Deaths Cast Suspicion on Formosa Steel Plant. 30-4-2016. http://thediplomat.com/2016/04/vietnam-fish-deaths-cast-suspicion-on-formosa-steel-plant/ (truy cập 30-7-2016).

25- TTPL (Tin Tức Pháp Luật). 2015. Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 25-11-2015. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Bo-luat-to-tung-dan-su-2015-296861.aspx (truy cập 26-7-2016).

26- _________. 2016. Tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự 1999. 30-6-2016. http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/13684/tiep-tuc-ap-dung-bo-luat-hinh-su-1999 (truy cập 25-7-2016).

27- Tuổi Trẻ. 2016. Một thợ lặn chết sau khi lặn tại cảng Sơn Dương - Formosa. 25-4-2016. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160425/mot-tho-lan-chet-sau-khi-lan-tai-cang-son-duong-formosa/1090522.html (truy cập 30-7-2016).

28- USTR. Không rõ ngày. Environment. Không rõ ngày. https://ustr.gov/trade-agreements/free-trade-agreements/trans-pacific-partnership/tpp-chapter-chapter-negotiating-5 (truy cập 29-7-2016).

29- Velasquez, Manuel; Andre, Claire; Shanks, Thomas, S.J., và Meyer, Michael J. 2014. Justice and Fairness. 1-8-2014. https://www.scu.edu/ethics/ethics-resources/ethical-decision-making/justice-and-fairness/ (truy cập 25-7-2016). 

30- VNExpress. 2016. Lời xin lỗi và 5 cam kết của Formosa. 30-6-2016. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/loi-xin-loi-va-5-cam-ket-cua-formosa-3428259.html (truy cập 27-7-2016).

31- _________. 2010a. Vedan ký cam kết bồi thường đầu tiên. 13-8-2010. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vedan-ky-cam-ket-boi-thuong-dau-tien-2172766.html (truy cập 28-7-2016).

31- _________. 2010b. Bộ trưởng Tài nguyên: 'Kiện Vedan là chắc thắng'. 28-7-2010. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tai-nguyen-kien-vedan-la-chac-thang-2171096.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking (truy cập 28-7-2016).

32- Wikipedia. 2016a. Strict liability. Thay đổi chót: 3-5-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Strict_liability. (truy cập 30-7-2016).

33- _________. 2016b. Diane Wilson. Thay đổi chót: 24-5-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Diane_Wilson (truy cập 30-7-2016).

34- _________. 2016c. Formosa Ha Tinh Steel. Thay đổi chót: 30-6-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Formosa_Ha_Tinh_Steel (truy cập 28-7-2016).

35- _________. 2016d. List of countries by GDP (PPP) per capita. 25-7-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(PPP)_per_capita (truy cập 29-7-2016).

36- _________. 2016e. List of countries by GDP (nominal) per capita. 26-7-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(nominal)_per_capita (truy cập 29-7-2016).

37- _________. 2016f. Plea bargain. Thay đổi chót: 27-7-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Plea_bargain (truy cập 27-7-2016).

38- _________. 2016g. Trans-Pacific Partnership. Thay đổi chót: 27-7-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Trans-Pacific_Partnership (truy cập 28-7-2016).

39- Wilson, Diane. 2005. An Unreasonable Woman. A True Story of Shrimpers, Politicos, Polluters, and the Fight for Seadrift, Texas. Chelsea Green Publishing Company, White River Junction, Vermont, U.S.A.

31/7/2016

Ảo vọng của Trung Cộng tại biển Đông

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Sau ngày 12 tháng Bảy, phán quyết của tòa án PCA về Biển Đông lại rơi tõm vào hư không khi các siêu cường mặc nhiên nhìn Trung Cộng tập trận khiêu khích. Không những vậy, hôm thứ Tư 27 tháng này, Ngoại Trưởng Kerry khi họp báo kế bên Ngoại Trưởng của Philippine là ông Perfecto Yasay, đã ủng hộ một cuộc đối thoại giữa Phi và Trung Cộng về chủ quyền biển Đông.

Chẳng lẽ phán quyết của tòa án PCA không còn hiệu lực nữa? Bổn phận của Trung Cộng là phải rút lui khỏi vùng này một cách vô điều kiện dựa trên phán quyết của tòa án, không thể nói ngược và trong trường hợp Trung Cộng nói ngược, thì Đồng Minh cần phải ra tay can thiệp buộc Trung Cộng phải làm theo phán quyết nếu không muốn nhìn thấy cấm vận và chiến tranh.

Thế nhưng Hoa Kỳ đã không làm điều đó. Dường như nước Mỹ đang cúi gập người xuống cố che giấu sức mạnh quân sự thật sự vượt trội của mình và để cho Trung Cộng mặc nhiên công khai phủ nhận phán quyết của tòa PCA về biển Đông.

Trung Cộng tuyên bố rằng chỉ đồng ý ngồi lại đối thoại với Phi khi Phi cùng quan điểm với Trung Cộng, tức là công khai bác bỏ phán quyết của tòa án PCA vào ngày 12 tháng Bảy. Như vậy thì Kerry đang kèn thổi xuôi, trống đánh ngược hay sao mà tán đồng việc Phi ngồi lại đối thoại với Trung Cộng về chủ quyền biển đảo?

Đương nhiên, ai ai cũng thừa hiểu Kerry không phải là một kẻ lú lẫn mà sự tuyên bố của ông cho thấy rõ Hoa Kỳ chưa tung đối sách thật sự cho biển Đông khi còn đang trong mùa bầu cử.

Nghi vấn về nỗ lực của Goldman Sachs:

Không ai lại điên rồ đi đầu tư ồ ạt vào một quốc gia sắp sửa có ý định đi đến cấm vận hay chuẩn bị gây chiến với đất nước của mình cả. Trong lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng sôi sục như thế, ai ai cũng lấy làm lạ là các công ty quốc doanh của Trung Cộng, theo sự hướng dẫn của Goldman Sachs, một tập đoàn tài phiệt của người Do Thái tại Mỹ, ồ ạt đổ tiền thâu tóm các công ty Mỹ trong năm nay, coi như không hề lo lắng gì đến căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng một tí nào cả, kể cả quan ngại về khả năng cấm vận của Mỹ.

Bản tin của Blomberg đánh đi vào ngày 10 tháng Hai năm 2015, dưới tựa đề: "Goldman Pushes China Investment Deal as Silicon Valley Wary," tức là: "Goldman cố thúc đẩy xúc tiến hiệp ước đầu tư Mỹ - Trung trong khi giới kỹ nghệ ở Silicon Valley lo lắng ngăn cản" đã khẳng định Goldman Sach cố thúc ép chính phủ Hoa Kỳ mở cửa để các công ty quốc doanh của một nhà nước Cộng sản như Trung Cộng ồ ạt thâu tóm các công ty Hoa Kỳ bất chấp những hiểm họa về an ninh quốc gia. Ở Hoa Kỳ, mọi hình thức hoạt động tài chánh kinh doanh cho Cộng Sản đều coi là cấm kỵ và Trung Cộng vẫn là một quốc gia Cộng Sản từ hình thức đến bản chất.

Thậm chí, cũng theo bản tin, Goldman Sachs gia tăng sức ép lên chính phủ Mỹ mở cửa cho Trung Cộng đầu tư bất chấp luôn cả nỗ lực của chính phủ Obama đang cố xúc tiến hiệp ước TPP nhằm cô lập bao vây kinh tế Trung Cộng. Rõ ràng, Tổng Thống Obama đã thật sự thúc thủ không đối đầu nổi nữa trước sức mạnh thế lực của giới tài phiệt người Mỹ gốc Do Thái. Nay thì ngay cả trong đại hội đảng Dân Chủ của ông, hiệp ước TPP cũng bị kêu gào hủy bỏ. Tài phiệt Do Thái đã lật ngược nước cờ cô lập kinh tế của Obama giùm cho Trung Cộng một cách ngoạn mục.

Phát biểu của Mark Schwartz, Chủ-tịch chi nhánh Á châu của Goldman Sachs, "Chúng tôi hy vọng sẽ còn tiếp tục hướng dẫn nhiều công ty quốc doanh Trung Cộng hơn trong việc thâu tóm các công ty Mỹ ở tương lai.” cho thấy sức thâu tóm của Trung Cộng lên các công ty Mỹ hiện nay chỉ mới là mở màn. Sẽ còn bao nhiêu tập đoàn tài phiệt khác của Mỹ do người Do Thái làm chủ sẽ theo gót Goldman Sachs để giúp Trung Cộng ồ ạt thâu tóm các công ty Hoa Kỳ đây? Một câu hỏi khiến chúng ta không khỏi phải rùng mình.

Nghi vấn về đầu tư của Trung Cộng năm 2016:

Chỉ ba tháng đầu năm nay, Trung Cộng đã đầu tư 5 tỷ Mỹ kim vào Hoa Kỳ bất chấp căng thẳng tại biển Đông leo thang ngày một tăng trong thời gian này. Vào giữa năm nay, tổng số vốn đầu tư cua Trung Cộng vào Hoa Kỳ tăng lên 15 tỷ, tức là gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và dự tính đến cuối năm, tổng số vốn đầu tư của Trung vào Hoa Kỳ sẽ là 30 tỷ Mỹ kim.

Đầu tư của Trung Cộng vào thị trường của Hoa Kỳ tăng lên được giới tài phiệt hân hoan quảng cáo là tốt cho thị trường lao động của Hoa Kỳ, thế nhưng trên thực tế, giới kỹ nghệ gia hàng đầu tại Mỹ đang ngày một lo lắng cho nền an ninh kinh tế của đất nước, khi mà từ kỹ thuật đến thông tin kinh tế lần hồi bị Trung Cộng khống chế nhờ thâu tóm các công ty quan trọng của Mỹ trong lúc Trung Cộng không hề tôn trọng những công ước về bản quyền kỹ thuật và có thề sử dụng các kỹ thuật này quay ngược trở lại cạnh tranh với công ty Hoa Kỳ một cách trơ trẽn như đã xảy ra trong ngành chế tạo mạch vi tính micro-chip hay trong ngành chế tạo máy bay hàng không lẫn dân dụng và quân sự.

Nếu đứng ở góc độ của mối bận tâm về biển Đông, thì dường như căng thẳng biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng càng leo thang thì đầu tư của Trung Cộng lại càng ồ ạt mạnh mẽ hơn nữa đổ vào nền kinh tế Mỹ. 

Khi mà vào trung tuần tháng Sáu, tức cuối quí hai, Hoa Kỳ đem hai chiếc hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan đi vào vùng biển đảo Hoàng Nhan cảnh cáo Trung Cộng "đùa ở Hoàng Nhan đảo là đùa với lửa" thì cũng là lúc mà tổng số đầu tư của Trung Cộng vào thị trường Mỹ vọt mạnh lên đến 10 tỷ Mỹ kim (từ tháng Tư đến tháng Sáu.)

Có phải là ngẫu nhiên hay không? Nếu mà là ngẫu nhiên thì tức là các công ty quốc doanh của Trung Cộng ồ ạt đổ tiền thâu tóm các công ty Mỹ trong ba tháng qua từ tháng Tư đến tháng Sáu mà không hề hay biết gì đến tin tức hai nước đang căng thẳng leo thang quân sự tại biển Đông, và có thể sẽ có đụng độ nếu rủi ro một bên mất kềm chế; 

Điều này không thể nào! Các công ty quốc doanh Trung Cộng thật sự biết hai nước đang leo thang đối đầu ngày một căng thẳng ở biển Đông mà vẫn đầu tư ồ ạt vào thị trường Mỹ, thậm chí còn nhiều gấp bội so với năm trước. Càng leo thang căng thẳng thẳng thì số tiền đầu tư càng lớn thì rõ ràng, Trung Cộng đang nhờ tài phiệt Do Thái giúp mua chuộc chung cuộc tại biển Đông. Căng thẳng càng cao thì cái giá chi ra phải càng lớn.

Ngày trước, hiệp định cam kết Hòa Bình Paris 1973 bị vi phạm trắng trợn bởi Cộng Sản Bắc Việt và cái giá phải trả là Trung Cộng chỉ cần một cú bắt tay với Henry Kissinger, đồng ý mở cửa thị trường cho tư bản vào đầu tư. Nay, để có được biển Đông thì đương nhiên, cái giá của một cú bắt tay như năm xưa để trả e rằng không đủ mà cái giá phải cao và tốn kém hơn nhiều.

Nền kinh tế Trung Cộng đã ngày một đuối và trầm kha trong khủng hoảng về tài chánh không lối thoát, vậy mà nay, lại phải đổ dồn không ngừng tiền của đầu tư vào Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, nhằm mua chiến thắng chung cuộc tại biển Đông thì quả là Bắc Kinh tự chuốt lấy tình trạng kiệt sức đuối hơi.

Câu hỏi đặt ra là biển Đông có ích gì cho Trung Cộng khi mà sau này nội bộ chính trị và xã hội Trung Cộng bị rối loạn do khủng hoảng, suy thoái để rồi rã nát chia cắt như Gordon Chang đã dự báo?

Một chiến thắng ảo vọng ở Việt Nam đẩy khối Cộng Sản đi đến chia rẽ và làm Liên Xô sụp đổ tả tơi sau đó thì chung cuộc đầy ảo vọng và quá tốn kém tại biển Đông, có lẽ, là điểm sáng cuối cùng của một chế độ đã đuối hơi ở Trung Hoa.


Làm sao cho mỗi con người Việt Nam sống có Nhân cách?

Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Đôi lời: Được bạn bè chuyển cho đọc bài “Lời bàn về Giáo dục của người giàu nhất hành tinh Bill Gates” tôi bừng tỉnh dậy một suy tư đã ôm ấp bấy lâu nên viết ngay đôi lời bình luận chia sẻ cùng bè bạn như sau:

Câu chuyện về nhận định của Bill Gates về tương lai một quốc gia gợi lên cho chúng ta một điều thú vị. Một quốc gia có vĩ đại được hay không hãy đo bằng nhân cách của các công dân nước ấy, trong những ứng xử giao tiếp bình thường hàng ngày.

Thật vậy, ở tầm nhỏ bé người ta thường tìm Nhân cách ở những việc lớn lao, và giới cầm quyền nhỏ bé thường tìm sự vĩ đại ở "tài năng lãnh đạo cao siêu" và quyền lực của mình, cố sao cho toàn dân phải học tập để biết quán triệt sự "lớn lao" ấy và đưa các nghị quyết của mình vào cuộc sống! Dân chẳng qua chỉ là công cụ thực hiện, người dân được quyền lựa chọn gì đâu?

Bill Gates lớn được thành một người làm thay đổi bậc thang tiến hóa của thế giới, và giầu nhất thế giới, là bởi người thầy của Công nghệ Internet ấy thực sự tôn trọng mọi con người sử dụng sản phẩm của mình, tự đặt mình vào vị trí từng người tiêu dùng, hướng về người tiêu dùng chứ không hướng vào túi tiền của mình, để tưởng tưởng xem họ muốn gì, họ cần gì thì tìm cách bày ra các phương án để họ tự chọn, làm thỏa mãn mong muốn đa dạng chính đáng của họ.

"Người dùng" chính là nhân dân! Bill Gates biết mình chỉ là người gây men và gợi hứng, chủ nhân thật sự của sự vĩ đại nằm trong tay nhân dân! 

Làm sao cho mỗi con người Việt Nam sống có Nhân cách, đó phải là mơ ước cháy bỏng của một người lãnh đạo tử tế, có thề thỉ hãy thề như thế đi! Nhưng một bộ máy còn thiếu Nhân cách thì làm sao gây được chất men Nhân cách? Và một cá nhân, một đảng hay một dân tộc đã chịu lệ thuộc Tàu thì đừng nói đến Nhân cách làm chi để thành trò cười cho thiên hạ.

Tột đỉnh của tình yêu nhân dân sẽ xuất hiện từ chính hệ thống dân chủ - thị trường - pháp trị mà toàn nhân loại đang đi (mà ta gọi tên là thế giới Tư bản để đối lập với thế giới Cộng sản) chứ đừng tìm ở một thiên đường tưởng tượng nào đó do những đầu óc thừa nhiệt tâm và nóng vội nhưng thiếu hiểu biết.

Thật cảm ơn Bill ở một nhận xét "rất nhỏ" nhưng của một tầm nhìn rất lớn.



__________________________________________

Lời bàn về Giáo dục của người giàu nhất hành tinh Bill Gates

Câu chuyện độc đáo, sâu sắc và góc nhìn thông thái của GS John Vu - Nguyên Phong về cuộc trò chuyện thú vị với Bill W. G, khi đi giảng ở hai quốc gia lớn Châu Á. (GS John Vu sau khi rời Vice President của Boeing, hiện là Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học ĐH Canergie Mellon, là dịch giả/tác giả bộ sách 'Hành Trình về Phương Đông', 'Đường Mây qua Xứ Tuyết', 'Ngọc Sáng Hoa Sen', 'Trên đỉnh Tuyết Sơn'... và cuốn mới nhất 2016 là 'Khởi Hành').

"Hè năm ngoái tôi đã đi dạy với Bill G và học được rất nhiều qua kinh nghiệm của người giám đốc điều hành doanh nghiệp này. Khi đi qua nhiều nước, chúng tôi thường xếp hàng ở sân bay. Bill quan sát: “Ông có thể thấy ở một số nước, mọi người chờ đợi kiên nhẫn cho đến lượt họ nhưng ở các nước khác, mọi người thường chen lấn xô đẩy. Mọi người mua vé đều có chỗ trên máy bay rồi vậy sao họ phải xô đẩy người khác? Dường như là giáo dục của họ thiếu đào tạo phép xã giao và sự tự trọng. Nước này vẫn muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới nhưng cứ nhìn vào dân chúng sô bồ, hỗn loạn, chen lấn và thiếu tự trọng này thì còn lâu họ mới lấy được sự kính trọng của những quốc gia khác. Họ có thể có sức mạnh kinh tế nhưng muốn đi xa hơn thì còn lâu lắm vì kinh tế là một chuyện nhưng dân trí lại là một chuyện khác. Không phải to tát, lớn lao là quan trọng nhưng thường những điều nhỏ bé xác định ra hệ thống giáo dục của họ tốt thế nào. Chính hành vi của những người dân xứ đó xác định ra liệu một nước đó có là “đẳng cấp thế giới” (World Class) hay không. Một con heo có thể thoa son dồi phấn nhưng nó vẫn là một con heo phải không?”

Khi rời khỏi nước này, Bill kết luận: “Quốc gia này còn phải học nhiều vì không có hệ thống dịch vụ tốt ở đây. Cả nước đang hội tụ vào phát triển sản phẩm để xuất khẩu tối đa nhưng họ sẽ không đi xa được nữa. Họ có thể hiểu kinh doanh sản phẩm nhưng không hiểu kinh doanh con người. Toàn thể nền kinh tế là về xây dựng thật nhiều cơ xưởng, sao chép mọi thứ, và xây dựng nhiều sản phẩm giá rẻ nhưng không cần chất lượng cao nghĩa là họ không nghĩ gì đến khách hàng mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ. Họ muốn xây dựng mọi thứ, sản phẩm lớn, sản phẩm nhỏ nhưng họ sẽ không bao giờ thành công vì không hiểu nhu cầu của khách hàng; họ không có ý tưởng nào về sự thoả mãn của khách hàng. Từ người quản lí khách sạn tới người phục vụ nhà hàng, từ quan chức mức cao tới công nhân mức thấp, tất cả họ đều hành động y hệt như nhau, cứ vội vàng làm gì đó nhanh chóng mà không suy nghĩ. Chúng ta đã tham quan rất nhiều cơ xưởng và nếu chú ý, ông sẽ thấy rằng phần lớn các cơ xưởng đều có giám thị người ngoại quốc và phần lớn các công ty đều có người tiếp thị ngoại quốc bởi vì người của họ không thể làm điều đó. Đó là làm kinh doanh “nửa đường” vì sản phẩm không thể thành công nếu không có dịch vụ, và chính dịch vụ đem khách hàng trở lại.”

Một ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi phạm sai lầm bởi việc đi sai chỗ cách xa khách sạn của chúng tôi vài dãy phố. Trời tối khi chúng tôi hỏi đường nhưng không mấy ai nói được tiếng Anh. Cuối cùng một sinh viên đi tới, anh chỉ cho chúng tôi hướng đi tới khách sạn nhưng ngần ngại: “Dễ lạc lắm vì có vài chỗ rẽ phải và rẽ trái và bây giờ đã khuya rồi và rất khó đi khi trời tối, các ông có thể bị lạc lần nữa. 

"Thế là anh ta đề nghị đi cùng chúng tôi tới khách sạn để chắc rằng chúng tôi sẽ không bị lạc. Chúng tôi bước đi quãng mười lăm phút cho tới khách sạn. Khi chúng tôi cám ơn người sinh viên, Bill đề nghị anh ta ăn tối với chúng tôi nhưng anh từ chối vì cần về nhà. Vào lúc đó chúng tôi thấy rằng anh ta phải đi lộn lại theo hướng ngược với chỗ chúng tôi bị lạc. Sự kiện là một thanh niên sẵn lòng giúp người lạ cho dù phải đi ngược lại trong đêm tối đã gây ấn tượng cho cả hai chúng tôi. Bill bảo tôi: “Khi một thanh niên của một quốc gia hành động như vậy, nước đó có tương lai. Đó là điều một quốc gia có đẳng cấp thế giới (World Class)."

Theo Bill, “đẳng cấp thế giới” không phải là nền kinh tế mạnh hay có bao nhiêu triệu phú hay tỉ phú, bao nhiêu đại học hay nhà chuyên môn mà đẳng cấp thế giới là về cách công dân của nó hành động ra sao.”

(Stt copy từ Fb Prof John Vu 22/7 - Hình minh hoạ quốc tế không từ GS. John Vu, bài gốc do lượng like và share chưa từng có nên ko hiểu sao đã ko còn, may là chép nguyên bản về kịp).


Nha Trang: Công an khủng bố gia đình blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh


CTV Danlambao - Lo sợ biểu tình phản đối Formosa tại Nha Trang, lực lượng công an đã gia tăng các hành vi khủng bố và sách nhiễu đối với gia đình blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Sáng ngày 31/7/2016, lực lượng an ninh mặc thường phục đã vây kín trước nhà blogger này khi bạn bè đến thăm cô.

Một chiếc xe 16 chỗ đã được huy động dừng ngay trước nhà, trong khi cảnh sát giao thông kiếm cớ để thu giấy tờ và giam xe của mọi người.

Quá phẫn nộ trước hành vi khủng bố ngang ngược của lực lượng CA đối với gia đình, bà Nguyễn Tuyết Lan – mẹ ruột blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bày tỏ sự phản ứng dữ dội.

Trước đó, những kẻ côn đồ - thực chất là an ninh thường phục, đã tổ chức ném đá, thậm chí ra tay hành hung đối với bà Nguyễn Tuyết Lan vào đêm 29, rạng sáng ngày 30/7/2016.

Nga đối diện với một tương lai đen tối. Có cách nào để thoát ra không?

David Satter * Phạm Đức Duy & Lê Minh Nguyên (Danlambao) dịch - Đây là một đoạn trích ra từ cuốn sách mới của nhà nghiên cứu David Satter, “The Less You Know, the Better You Sleep: Russia’s Road to Terrorism and Dictatorship Under Yeltsin and Putin” (Bạn biết càng ít, bạn ngủ càng ngon: Con đường đưa nước Nga đến khủng bố và độc tài dưới thời Yeltsin và Putin):

Tương lai tốt nhất cho nước Nga là loại bỏ chế độ Putin bằng một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nhưng gần như việc này sẽ không thể xảy ra. Chỉ khi nào có một cuộc nổi dậy rất lớn từ bên dưới, đội ngũ an ninh và quân đội trở nên thờ ơ với việc bảo vệ chế độ, nhóm lãnh đạo đương thời bị phân chia để ít nhất một phần trong số họ đứng về phía quần chúng thì mới lật đổ được chế độ Putin.

[LMN: Do hệ thống chính trị được designed từ ban đầu là không thể thay đổi trừ khi bị sụp đổ, Cộng Sản Việt Nam cũng tương tự, không muốn và không có khả năng thay đổi qua dân chủ pháp trị. Sự thay đổi thực sự nếu có ở VN là do dân chúng đứng lên mà ra, với sự trung lập của lực lượng đàn áp và một mảng của Đảng tách ra đứng cùng quần chúng].

Trong những trường hợp này, điều quan trọng cần được nhấn mạnh đến là những lời hiệu triệu (the banners) mà từ đó một cuộc cách mạng dân chủ sẽ xảy ra. Cái mà nước Nga cần là một ý thức (consciousness) có khả năng hướng dẫn một phong trào quần chúng để tiến đến sự cam kết cho các giá trị phổ quát. 

Khuynh hướng của Nga sử dụng con người (individual) như vật liệu sổi (raw material) để thực hiện những tham vọng của nhà nước đã ăn sâu bắt rễ vào tâm lý quốc gia, nó đã giúp cho sự chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản và sau đó nó định vị cho chủ nghĩa tư bản không luật pháp, để rồi ngày nay dẫn đến một quốc gia tội phạm.

Để xây dựng việc tôn trọng con người như nền tảng cho một sự bắt đầu mới, nước Nga cần phải có một cái nhìn chân thật vào quá khứ của chính mình. Nga đã thất bại trong việc đối diện với sự thật về các tội ác của chế độ cộng sản, nhưng có lẽ càng cấp bách hơn nữa cho nước Nga là sự đối mặt với những tội ác xảy ra sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Điển hình là thảm sát tại tháp truyền hình Ostankino vào năm 1993, pháo kích vào Nhà Trắng Nga, tình trạng đạo tặc trong quá trình tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh, các cuộc đánh bom những chung cư năm 1999, việc bao vây tấn công Nhà hát Moscow năm 2002, bao vây tấn công trường học Beslan năm 2004, dùng phóng xạ đầu độc Alexander Litvinenko ở London, những vụ ám sát Anna Polikovskaya, Sergei Yuschenkov, Yuri Shchekochikhin, Paul Klebnikov, Natalya Estemirova và Boris Nemtsov.

[LMN: CSVN cũng như Nga, sử dụng con người như đồ vật thí nghiệm cho sự nắm quyền bằng mọi giá của Đảng. Những vụ giết dân tập thể Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968, Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, đầu độc phóng xạ Nguyễn Bá Thanh, ám hại Nguyễn Hữu Thắng (Cục trưởng Cục đường sắt VN), Dương Văn Đầy, ĐS Đinh Bá Thi, tướng Thi Văn Tám, thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên... Hiện nay, tuy giữ Mác-Lê làm bình phong để nắm quyền, CSVN đang theo chủ nghĩa tư bản không luật pháp, cướp ngày là quan của chế độ đạo tặc].

Trong số những tội ác này, quan trọng nhất là những vụ đánh bom các chung cư năm 1999. Những vụ đánh bom ở Moscow, Buinaksk và Volgodonsk là hậu quả của nước Nga tội phạm dưới thời Boris Yeltsin và là chìa khóa để Putin nổi lên nắm quyền. Người ta có thể lập luận rằng không có chứng cớ về tội lỗi của Yeltsin và Putin trong các vụ đánh bom này. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng trong ý nghĩa là khi có một toà án công lý (độc lập) xử và công bố ra như vậy cho kẻ bị truy tố phạm tội. Chế độ Putin đã không bao giờ đối mặt với một tòa án của luật pháp như thế, do bởi chính họ kiểm soát tiến trình pháp lý và ở trong vị trí thu thập rồi giấu diếm các bằng chứng. Toàn bộ các chứng cớ của hoạt cảnh (circumstantial evidence) - nó không giống như chứng cớ trực tiếp (direct evidence) vì không thể nào giả tạo ra được – cho ra một bức tranh tội lỗi của chế độ một cách hết sức thuyết phục, mà nếu đây là một vụ án hình sự cá nhân, kết quả tội lỗi sẽ rất rõ ràng và không thể chối cãi.

Cho đến nay, chế độ đã ngăn chận ba nỗ lực để tiến hành cuộc điều tra độc lập về các vụ đánh bom những chung cư, cũng như ngăn chận điều tra các vụ ám sát những cá nhân đã cố gắng điều tra độc lập các vụ đánh bom trên, điều này cho thấy sự nghi can chạy tội của chế độ. Nếu chính quyền muốn bác bỏ những cáo buộc về việc họ tham gia vào các vụ đánh bom chung cư, họ lẽ ra nên công bố các bằng chứng quan trọng cho các cuộc điều tra độc lập, đặc biệt là những quả bom đã được đặt dưới hầm của tòa nhà Ryazan và bị cơ quan an ninh FSB tịch thu và giấu kín (sequestered), (không cho điều tra) vi phạm trực tiếp pháp luật về bí mật nhà nước.

Nga hiện nay đối mặt với một tương lai đen tối. Ðiều cấp thiết nhất cho nước Nga là một ủy ban điều tra sự thật, giống như Ủy ban về Sự thật và Hòa giải của Nam Phi, ngõ hầu có thể điều tra một cách khách quan những tội ác thời hậu cộng sản và công bố kết quả với nhân dân Nga. Nhiều tội ác thật là khủng khiếp, nên sự nhận thức về bản chất thật sự của chúng sẽ rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ mới. 

[LMN: VN hiện nay cũng đang đối mặt với một tương lai đen tối, nhiều tội ác thật là khủng khiếp đã xảy ra, chính quyền càng ngày càng có hiện tượng biến VN trở thành một quốc gia tội phạm, văn hóa lành mạnh đã bị phá nát, mua quan bán chức để đạo tặc tài nguyên quốc gia và hút máu đồng bào. Đảng đang đi con đường tội phạm của Nga và dân muốn đi con đường dân chủ của Ukraine].

Trong trường hợp Nga có thể bắt chước được các kinh nghiệm của Ukraine trong việc lật đổ một chế độ tội phạm, thì việc triệu tập một Quốc Hội Lập Hiến mới, có khả năng soạn ra một hiến pháp, cao cả đặc định (enshrining) việc phân chia quyền lực, sẽ là một điều hết sức cần thiết. Nga chưa bao giờ phục hồi lại được từ sự dẹp bỏ Quốc Hội Lập Hiến hồi Tháng Giêng năm 1918; do vậy mà cấu trúc chính trị ở Nga đã luôn luôn được sử dụng như những công cụ cho sự chuyên quyền (arbitrary power).

Người dân Nga có tư tưởng dân chủ có lẽ chiếm không quá 10-15 phần trăm dân số, nhưng kinh nghiệm của thời kỳ Đổi Mới và Tái Cấu Trúc (perestroika) cho thấy rằng họ có thể hướng dẫn hàng triệu người khác theo cùng. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ sẽ cần phải đối mặt với sự thật về kinh nghiệm "dân chủ" hậu Xô Viết tại Nga (dân chủ giả). Có làm như thế thì mới giúp cho đất nước được thực sự trong sáng. Các lực lượng dân chủ mới có thể phá vỡ được lịch sử bi thảm của nước Nga và tạo nền tảng cho tương lai của đất nước. Họ chỉ cần tập trung vào giá trị của con người và để cho sự thật dẫn dắt họ.

Tác giả: Ông David Satter là nhà báo Mỹ và là chuyên gia về Nga, Liên Xô, Đông Âu. Ông là tác giả các cuốn sách và các bài báo về sự suy tàn và sụp đổ của Liên Xô và sự nổi lên của nước Nga tội phạm hậu Xô viết. Ông Satter bị chính quyền Putin trục xuất khỏi Nga tháng 12/2013. Ông là thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Hudson và là thành viên của Viện Chính sách đối ngoại, Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp, Đại học Johns Hopkins (SAIS).